Trong thời gian qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ngân hàng nhà nước cũng như toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai chủ trương, định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo bằng các chương trình hành động cũng như huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương…
Tuy nhiên, kết quả của hoạt động này còn rất hạn chế. Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ cấp tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo hơn 212 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung vào các dự án điện mặt trời và thủy điện chiếm 87% tổng dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước cho biết, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn đầu tư dài 5-10 năm đối với điện mặt trời, 10-15 năm đối với các dự án năng lượng tái tạo khác, trong khi nguồn vốn vay mà các ngân hàng thương mại cho các dự án năng lượng tái tạo vay là nguồn vốn thông thường, phải tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án, lập kế hoạch trả nợ đối với các khoản cấp tín dụng trung và dài hạn, do các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn, trong khoảng 2 năm nên cả các nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng đều gặp khó khăn trong tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án cũng như lập kế hoạch trả nợ cho ngân hàng;
Việc tính toán, dự báo sản lượng điện khi lập dự án điện gió, điện mặt trời mới triển khai trong 03 năm trở lại đây phụ thuộc rất lớn vào yếu tố chuỗi thời gian quan trắc để bảo đảm độ tin cậy.
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực chưa có các tiêu chí cụ thể để có căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng. Hiện vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng cho rằng, năng lực của chủ đầu tư cũng là một trong những lý do khiến họ phải cân nhắc cấp tín dụng khi có nhiều doanh nghiệp triển khai dự án mới được thành lập tại địa phương, khiến cho các ngân hàng khó thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án.
Trong giai đoạn vừa qua, các dự án đều được các chủ đầu tư thi công gấp rút trong thời gian ngắn để hưởng cơ chế ưu đãi giá nên các ngân hàng cũng cho rằng không loại trừ khả năng có thể phát sinh rủi ro vận hành do thực hiện chưa đầy đủ các yêu cầu trong quá trình thi công, lắp đặt.
Ở chiều ngược lại, các chủ đầu tư như Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, Công ty TNHH IPC gặp nhiều khó khăn, thách thức về cơ chế chính sách, nguồn vốn, giá mua điện… làm ảnh hưởng đến doanh thu, khả năng trả nợ vay của chủ đầu tư.
Để đẩy mạnh đầu tư vốn vào năng lượng tái tạo cần sự phối hợp từ nhiều phía nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách về giá điện, các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn về trái phiếu xanh, lựa chọn dự án xanh.